Nhân đạo là bản chất, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền, bồi đắp trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong các hoạt động vì con người trong cộng đồng, hoạt động nhân đạo, từ thiện ngày càng được trân trọng với ý nghĩa đề cao tính nhân văn cao cả, tinh thần nhân ái sẻ chia trong hoạn nạn khó khăn giúp những thân phận, những mảnh đời nghiệt ngã vượt qua nỗi bất hạnh, thiếu may mắn vươn lên, ổn định đời sống hòa nhập cộng đồng …
Ngày 28 tháng 01 năm 2021, trung tâm GDNN – GDTX huyện Vị Thủy và trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh Hậu Giang đã thực hiện lễ kết nghĩa giữa hai bên. Cùng “San sẻ yêu thương” với trung tâm CTXH, trung tâm GDNN – GDTX huyện đã trao tặng 260kg gạo do tập thể quyên góp. Trong thời gian tới hai trung tâm tiếp tục phối hợp tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao năng lực cho cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trong tỉnh và các đối tượng có nhu cầu; Hỗ trợ qua lại việc giáo dục dạy văn hóa cho các đối tượng tại trung tâm; Tạo điều kiện cho các Đoàn thể giữa hai trung tâm giao lưu học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau và phối hợp tổ chức các nhiệm vụ theo chức năng của hai bên khi cần.
Với phương châm công tác nhân đạo, từ thiện phải được bắt nguồn từ cái “tâm” và sự tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học viên của trung tâm, trong những năm học qua, công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa hoạt động nhân đạo luôn được quan tâm chú trọng trong các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục trải nghiệm và tích hợp vào các môn học nhằm giáo dục đạo đức, lòng nhân ái, bao dung, tinh thần vì cộng đồng, lá lành đùm lá rách cho học viên, … Các hoạt động nhân đạo này đã được duy trì thường xuyên, liên tục trong trung tâm, góp phần rất lớn vào công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng, lý tưởng sống và kỹ năng sống cho học viên. Qua đó giúp học viên nâng cao được ý thức, trách nhiệm và tiếp tục phát huy những giá trị nhân văn, văn hóa tốt đẹp, những nghĩa cử cao đẹp của con người với con người và truyền thống tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Đây cũng là việc thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Trung tâm CTXH tỉnh được thành lập từ năm 2015 theo Quyết định số 300/QĐ-UBND, ngày 09 tháng 03 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang. Hiện tại trụ sở chính được xây dựng kiên cố tại ấp 02, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, đây là nơi tiếp nhận nhiều người có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, trẻ lang thang, bệnh nhân mắc bệnh tâm thần,… Hiện trung tâm CTXH tỉnh đang chăm sóc, quản lý 222 người, trong đó có cả người bệnh tâm thần, người già neo đơn và người lang thang cơ nhỡ. Mỗi người đến trung tâm là mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai nấy đều đáng thương, cần được quan tâm, chia sẻ. Với tinh thần trách nhiệm, cảm thông chia sẻ, các cán bộ, công nhân viên trung tâm CTXH tỉnh đã tận tình chăm sóc bệnh nhân, tạo điều kiện để những mảnh đời yếu thế có cuộc sống tốt hơn. Các học viên ở đây được học nghề, học chữ, tuy nhiên việc dạy chữ cho những bệnh nhân ở trung tâm rất khó khăn, bởi họ nhớ trước quên sau, có khi lại không chịu học. Dù vậy, giáo viên ở đây luôn nỗ lực, nhằm giúp mọi người biết đọc, biết viết, biết tính toán, để hòa nhập cộng đồng sau khi phục hồi sức khỏe trở về với cuộc sống gia đình. Hiện nay trung tâm còn gặp một số khó khăn như cơ sở thiếu phòng ngủ cho học viên, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc bệnh nhân, trung tâm vẫn chưa có đủ bác sĩ, mức hỗ trợ bệnh nhân ở trung tâm khi điều trị ở các bệnh viện còn khá thấp… Ông Lê Văn Cao, Giám đốc trung tâm CTXH tỉnh bày tỏ: “Dẫu còn nhiều khó khăn nhất định, với tinh thần trách nhiệm, tập thể cán bộ, nhân viên nơi đây sẽ tiếp tục thực hiện tốt công việc của mình bằng cái tâm, cái nghề và tình yêu thương, nhằm chia sẻ những mất mát mà các bệnh nhân đang phải gánh chịu. Từ đó, giúp họ sớm cải thiện sức khỏe, tinh thần, để nhanh chóng trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng”.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay đặc biệt chú trọng hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Thì đây là một trong những địa chỉ nhân đạo mà các mạnh thường quân cần đến để giúp đỡ, là nơi để giáo dục đạo đức, tính nhân đạo cho thế hệ trẻ của các nhà trường. Với những kết quả đạt được, hy vọng năm học mới này sẽ có thêm nhiều hoạt động nhân đạo trong học đường tiếp tục được nhân rộng với nhiều hình thức, cách làm hiệu quả, ý nghĩa để góp phần vào giáo dục toàn diện nhân cách, đạo đức và lối sống cho học viên./.
Tác giả: Chi bộ trung tâm GDNN – GDTX huyện Vị Thủy